Bạn đang tìm hiểu cách làm tôm khô truyền thống, để khi chế biến tôm có hương vị thơm ngon và không có mùi tanh? dichvuxunau.vn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách làm tôm khô tại nhà một cách đúng điệu và ngon miệng. Nào, hãy cùng chúng tôi thực hành ngay nhé!
Cách làm tôm khô đơn giản tại nhà
nguyên liệu:
Tôm tươi: 1kg
Muối hạt
Cách làm tôm khô:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Tôm sau khi mua về làm sạch bằng cách rửa qua với nước muối loãng.
Sau đó, rửa sạch với nước nhiều lần để loại bỏ các tạp chất còn sót lại.
Nếu tôm đông lạnh, thì bạn có thể ngâm tôm trong nước phèn chua khoảng vài phút, rồi vớt ra để ráo nhằm làm cho thịt tôm săn lại và sạch nhớt.
Bước 2: Luộc tôm
Tùy vào số lượng tôm cần luộc mà bạn cho vào nồi một lượng nước vừa đủ. Pha vào một ít muối theo tỉ lệ 300g muối cho 1 lít nước. Nếu là tôm nước mặn thì giảm lượng muối đi một chút, khoảng 250g cho 1 lít nước.
Đun sôi nồi nước sôi rồi cho tôm vào đảo đều, đến khi vỏ tôm ngả sang màu đỏ thì tiếp tục chờ thêm khoảng 2 phút và vớt ra rổ cho ráo nước. Bạn nên trải mỏng cho tôm nhanh khô và không bị hôi, tránh cho hết tôm vào nồi một lần mà chia ra thành từng phần để dễ vớt cũng như để tôm ráo nước nhanh hơn.
Tiếp theo, bạn đem đi phơi dưới nắng gắt, nếu không có sân phơi bạn có thể làm tôm khô bằng lò sấy, hoặc nồi chiên không dầu. Nhưng phương pháp phơi khô tự nhiên sẽ ngon và chất lượng hơn.
Rải tôm ra khay hoặc mâm, dàn đều, phơi khoảng 2-3 ngày, kiểm tra thường xuyên không nên để tôm quá khô sẽ bị cứng mất vị ngọt, tôm phơi đủ nắng thì vỏ giòn thơm và để được lâu hơn.
Trong quá trình phơi, nhớ trở mặt tôm để tôm khô đều và hãy sử dụng vải mùng thưa để đậy lại, tránh ruồi nhặng đậu vào, nhằm đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khi đã khô ráo, bạn bỏ vào túi vải rồi lấy chày đập nhẹ lớp vỏ sẽ tự bong ra. Tuy nhiên, nếu bạn muốn ăn cả vỏ có thể bỏ qua bước này, khi ăn thì lấy ra lặt bỏ đầu, râu và đuôi rồi chế biến hoặc dùng trực tiếp.
Sau khi tôm phơi khô cho vào lọ đậy kín để nơi khô thoáng.
Bước 3: Thành phẩm:
Nếu bạn làm đúng quy trình trên, khi thành phẩm tôm khô sẽ có màu đỏ tự nhiên rất đẹp mắt, thịt tôm chắc mềm, không bị dai. Tôm có vị mặn nhẹ và vị ngọt thanh đặc trưng, khi ăn có thể cảm nhận được sự tươi ngon trong từng con tôm.
Khi chế biến món ăn để làm mềm tôm, bạn chỉ cần cho tôm vào nước ấm ngâm trong khoảng 10 phút. Với quy trình hoàn toàn thủ công đơn giản như trên, các bạn đã bổ sung vào gian bếp một nguyên liệu sạch, thơm ngon bổ dưỡng cho gia đình.
Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể mua tôm khô ngon chất lượng tại đây
Cách bảo quản tôm khô
Trong tủ lạnh:
Tủ lạnh là nơi lưu trữ thực phẩm phổ biến nhất hiện nay, thông thường tủ lạnh có 2 ngăn, đó là ngăn mát và ngăn đông. Tùy vào nhu cầu bảo quản dài hay ngắn mà bạn chọn theo các cách sau:
Ngăn mát: Nếu sử dụng ngay trong ngày hoặc chỉ bảo quản thời gian ngắn từ 1 – 3 tuần, bạn có thể để trong ngăn mát tủ lạnh, khi sử dụng bạn chỉ cần lấy ra là đã có thể chế biến.
Bạn cần lưu ý trước khi bảo quản, hãy chia phần tôm theo khẩu phần ăn hàng ngày rồi cho vào trong hũ thủy tinh hoặc túi buộc chặt, nếu có thể hút chân không thì càng tốt, sau đó đặt vào trong ngăn mát của tủ lạnh và bạn chỉ nên lấy lượng vừa đủ để chế biến.
Bạn chỉ nên bảo quản một lượng nhỏ, bởi vì nếu số lượng nhiều thì khi không dùng hết tôm sẽ bị hỏng. Hơn nữa để lâu sẽ làm cho tôm khô cứng hơn và mất đi vị thơm ngon.
Ngăn đông: Thích hợp với việc bảo quản lâu dài (có thể lên tới 1 năm). Khi sử dụng cần có thao tác rã đông 15-30 phút. Lưu ý quá trình rã đông rồi đông lạnh lại sẽ làm cho tôm mất đi dinh dưỡng, vị ngon và độ dẻo của tôm.
Cách tốt nhất là kết hợp cả 2 ngăn: bạn có thể chia nhỏ vào túi thành từng phần rồi bỏ vào ngăn đông. Cứ mỗi tuần cho 1-2 phần bỏ xuống ngăn lạnh, khi sử dụng chỉ việc lấy phần ở trong ngăn lạnh mà không cần phải rã đông.
Trong điều kiện thường:
Nếu như gia đình bạn không có tủ lạnh hoặc đã có quá nhiều thứ và không thể chèn vào, thì bạn hãy yên tâm vì vẫn có thể được bảo quản ở điều kiện bên ngoài bằng cách sau:
Bạn hãy gói tôm khô với giấy báo rồi cho vào túi ni lông hoặc hũ (có thể cho thêm vài gói hút ẩm), sau đó để nơi thoáng mát khô ráo. Khoảng 1-2 tuần bạn lấy tôm ra phơi ngoài sáng khoảng 3-4 tiếng, tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.
Tuy nhiên, với cách này thì bạn chỉ có thể bảo quản được từ 2-4 tháng tùy vào điệu kiện khí hậu.
Cách chọn tôm
Đầu tiên, bạn nên chọn tôm đất hoặc tôm thẻ, kích thước vừa phải khoảng ngón tay út là đạt chuẩn. Những con tôm tươi ngon phần thân hơi cong nhẹ, thịt săn chắc, vỏ trong suốt.
Tôm phải còn nguyên vẹn, đầu phải dính chặt vào thân tôm, đuôi tôm xếp lại với nhau đảm bảo tôm sẽ luôn tươi rói.
Một số nguyên nhân làm tôm có mùi khai
Thủ phạm chính là tôm bị ươn, hoặc đã cáp đông trong thời gian dài, trường hợp này không những tôm khô có màu sắc kém mà còn làm cho thành phần dinh dưỡng của tôm mất đi khá nhiều. Tôm sẽ khá cứng, ăn giòn, vị không ngọt.
Quy trình còn nhiều thiếu sót như: phơi tôm chưa đủ nắng, hoặc bị ướt do nước mưa. Ngoài ra quá trình bảo quản sơ sài, môi trường quá ẩm làm cho tôm bị mốc sau đó là có mùi hôi khó chịu.
Với cách làm tôm khô truyền thống chi tiết ở bài viết này, bạn đã có thể tự làm cho mình loại tôm khô vừa ngon vừa an toàn cho sức khỏe. Chúc bạn thành công và thưởng thức những món ăn ngon.